Sự nghiệp đạo Nguyễn_Ngọc_Tương_(Giáo_tông)

Công tích khai đạo

Thời gian ông làm chủ quận Cần Giuộc, khoảng hạ tuần tháng 12 năm Ất Sửu, sau một thời gian tìm hiểu Đạo Cao Đài ông xin nhập môn vào Đạo. Là một nhân sĩ trí thức yêu nước, ưu đời mẫn thế, ông trở thành một tín đồ tích cực truyền giảng giáo lý Cao Đài, đóng góp đặc biệt trong việc phát triển nhanh chóng tôn giáo Cao Đài trong thời kỳ sơ khai. Ngày 17 tháng 5 năm Bính Dần, ông được phong phẩm Phối Sư phái Thượng, Thánh danh là Thượng Tương Thanh, đến ngày 3 tháng 7 năm Bính Dần ông được thăng Thượng Chánh Phối Sư tại Vĩnh Nguyên Tự.

Để thuận tiện cho việc xây dựng Tòa Thánh, năm 1927, ông cùng bà Phối sư Lâm Ngọc Thanh được Hội Thánh Cao Đài giao đứng bộ tài sản, đất đai của các tín đồ quyên góp cho Đạo. Trong thời gian xây dựng Tòa Thánh, Hội Thánh cũng cho xây dựng một biệt xá có lầu bằng cây lợp tranh, gần Đại lộ Bình Dương Đạo, để dành làm nơi cư ngụ cho ông để tiện việc theo dõi thi công.

Tuy nhiên, thời gian này, ông vẫn còn làm công chức. Mãi đến tháng 2 năm Tân Mùi (1930), ông mới chính thức phế đời, hành đạo tại Tòa Thánh Tây Ninh. Trong Đạo Nghị Định thứ Nhì ban hành ngày 3 tháng 10 năm Canh Ngọ (1930), Điều thứ nhì, đã chỉ định ông làm Chánh Phối Sư, kiêm Quyền Thượng Đầu Sư.

Theo sự phân công của Hội Thánh, Quyền Giáo tông Lê Văn Trung có gửi một văn bản gửi đến Thống đốc Nam Kỳ với nội dung giao cho ông Nguyễn Ngọc Tương làm chấp chưởng, phụ trách giao thiệp với chánh phủ và lo xin phép khai thác các Thánh thất. Bản thân ông cũng gửi một bức thơ cho Thống đốc Nam Kỳ xác nhận việc này, do cả quyền Giáo tông Lê Văn Trung và ông Lê Bá Trang ký tên xác nhận. Với vai trò là chưởng quản (đại diện) Hội Thánh, văn bản đầu tiên của ông (số 1, gởi đến các Thánh thất) ban hành vào ngày 2 tháng 2 năm 1931.

Phụng sự tại Tòa Thánh Tây Ninh

Trong thời gian phụng sự tại Tòa Thánh Tây Ninh (1931-1934), ông đã thực hiện nhiều công việc truyền bá đạo, lập nhà Dưỡng nhi nuôi 94 trò nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, mở 4 lớp dạy chữ và Đạo Lý Phổ Thông, tổ chức 1 lớp dạy hàng chức sắc ở làm việc tại Tòa Thánh... Ông cũng cho lập Y việnDưỡng đường tại Tòa Thánh để có chỗ cho người làm công quả khi ốm đau, tổ chức thành lập nhiều cơ sở như: Trại hòm, trại cưa, trai mộc, sở đương mây, sở làm củi,… để người về Tòa Thánh đều có việc làm công quả, và phục vụ mọi nhu cầu của Tòa Thánh được tương đối, ít tốn kém. Các cơ sở này vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.

Ông còn cho khai phá đất hoang, mở mang 9 cơ sở hàng bông rau cải, cung cấp thức ăn hằng ngày cho Tòa Thánh, tổ chức các tín đồ làm Phước điền, để có chỗ công quả và tài chính, lương thực cho bổn Đạo

Ban Chỉnh Đạo tại Thánh thất An Hội

Ngay từ trước khi quyền giáo tông Lê Văn Trung qua đời, Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh có những mâu thuẫn nghiêm trọng giữa các chức sắc cao cấp, dẫn đến việc ly khai và hình thành nhiều chi phái độc lập. Bản thân ông, với vai trò là một chức sắc lo việc giáo đạo, ông nhiều lần thuyết phục các chức sắc cao cấp tránh việc ly khai, nhưng không thành công. Ông mới rời khỏi Tây Ninh và tu ẩn tại núi Kỳ Vân, Đất Đỏ (Bà Ria). Sau khi nhiều phái đoàn nhơn sanh đến gặp ông mời ông ra lo lại việc Đạo, ông trở lại hành đạo vào ngày 24 tháng 7 năm 1934 và lập văn phòng tại Thánh thất Bình Hòa (Gia Định) và An Hội (Bến Tre). Sau đó ông cùng với ông Đầu sư Lê Bá Trang tổ chức một Đại hội ngày 14 tháng 10 năm Giáp Tuất (tức 20 tháng 11 năm 1934) tại Bến Tre, có sự có mặt các đại diện của Họ Đạo trong 18 tỉnh Nam phần (trên tổng số 135 Họ Đạo có trong nước lúc đó) và chừng 1300 người dự tính. Đại hội táng thành chương trình Chỉnh Đạo và thành lập một Ban Chỉnh Đạo do phái viên của 18 tỉnh công cữ. Bấy giờ, Ban Chỉnh Đạo vẫn tự xem là một tổ chức thuộc Hội Thánh Cao Đài Nguyên Thủy tại Tây Ninh. Tòa Thánh Tây Ninh tất nhiên không nhìn nhận Ban Chỉnh Đạo.

Ban Chỉnh Đạo vừa thành lập buổi sáng, chiều tái nhóm thì được điện-tín quyền giáo tông Lê Văn Trung qua đời. Tiếp theo đó tại Tây Ninh, Hộ pháp Phạm Công Tắc và Đức Lý Giáo Tông lập Nghị Định ngày 12 tháng 12 năm 1934 xem các nhóm ly khai khỏi Đạo gốc là Bàng Môn Tả Đạo. Sự hòa hiệp với Tòa Thánh Tây Ninh không giải quyết được, đưa đến quyết định của Đại hội Ban Chỉnh Đạo ngày 18 tháng 1 năm Giáp Tuất (tức 21 tháng 12 năm 1934) tổ chức Hội Vạn Linh từ 8 đến 11 tháng 1 năm Ất Hợi (11 đến 14 tháng 2 năm 1935) tại Thánh thất An Hội Bến Tre để thành lập Hội Thánh để hành Đạo. Hội Vạn Linh công cử Đầu sư Nguyễn Ngọc Tương lên phẩm Giáo tông để cầm giếng mối Đạo. Tuy chưa bao giờ tuyên bố ly khai, nhưng trên thực tế, các tín đồ tu tập theo quan điểm Ban Chỉnh Đạo đã hình thành tổ chức một Hội Thánh Cao Đài riêng biệt, sau nầy được gọi là Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo để phân biệt với các Hội Thánh khác.

Từ khi trừ quan hành Đạo tại Tòa Thánh Tây Ninh song song với công việc phổ độ, hành đạo ông rất chú trọng vào phương pháp tu tập, đặc biệt là pháp môn tu tịnh. Đặc biệt, trong thời gian từ 1934 đến 1942, ông qua 10 kỳ đại tịnh, có đợt đến 120 ngày. Đó là phương châm hành đạo "tiêu tích cực hóa hợp" (vừa hành đạo, vừa tịnh luyện) mà ông hằng dạy trong mỗi khóa hạnh đường dành cho chức sắc, tín đồ. Các kỳ tịnh của ông được tín đồ đặt các tên gọi riêng như "Bá nhựt trúc cơ", "Thập nhị hoài thai", "Tam niên nhũ bộ", "Cửu cửu thần du". Kỳ đại tịnh cuối cùng của ông từ 22 tháng 2 năm Nhâm Ngọ (1942) đến ngày ông "ra tịnh"[1] vào giờ Tý rạng ngày Rằm tháng 5 năm Tân Mão (tức 18 tháng 6 năm 1951), thời gian tổng cộng 9 năm 81 ngày, được gọi là "Cửu niên diện bích".

Sau khi ông qua đời, liên đài của ông an vị trước Thánh thất An Hội, được xem là Tòa Thánh tạm cho Hội Thánh Cao Đài Ban Chỉnh Đạo [2].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nguyễn_Ngọc_Tương_(Giáo_tông) http://caodaibanchinhdao.com/thuviensach/caodai/ca... http://caodaivn.com/forum/showthread.php?t=2940&pa... http://www.caodaivn.com/forum_posts.asp?TID=2507&P... http://tiengviet.hoithanhngoaigiao.org/index.php?o... http://www.bentre.gov.vn/index.php?option=com_cont... http://www.bentre.gov.vn/index.php?option=com_cont... https://web.archive.org/web/20090219022736/http://... https://web.archive.org/web/20090219205236/http://... https://web.archive.org/web/20160305142531/http://...